Ghi chép tập bài vở dày đặc chữ, đi học thêm gần nửa các môn được học hàng ngày tại trường,… Các mô hình học tập này từ lâu đã trở thành những phương pháp giáo dục truyền thống tại Việt Nam. Dù vậy, đây vẫn là mô hình học nhận được những ý kiến trái chiều về khối lượng học tập cũng như áp lực học tập.
Điều này đã làm lóe lên câu hỏi: “Liệu có mô hình hay phương pháp giáo dục nào tạo được động lực cho trẻ, vừa thoải mái nhưng vẫn giúp con phát triển toàn diện hay không?”
1 – Phương pháp giáo dục Montessori – Lớp học trao quyền
Tiến sĩ Maria Montessori – một nhà trị liệu, nhà giáo dục người Ý đã phát triển mô hình giáo dục mang tên mình vào năm 1907 sau khi bà có cơ hội dạy một lớp học sinh gồm 50 em học sinh nghèo ở ngoại ô Rome.
Montessori phủ nhận quan điểm cho rằng trẻ em như những “tờ giấy trắng” mà cho rằng phương pháp giáo dục truyền thống đang giới hạn sự phát triển của trẻ bởi những giáo trình rập khuôn và phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Thay vào đó bà tin rằng, mỗi đứa trẻ được sinh ra đều đã có bản năng tiếp thu riêng và có khả năng tự định hướng học tập cho mình. Montessori đã phát triển khuôn khổ một môi trường học tập tự do mà ở đó, học sinh được trao quyền tự do lựa chọn cách chúng sẽ dành thời gian, tìm kiếm cơ hội học ở trường trong khi giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát, định hướng.
Tương tác trực quan được xem là yếu tố cốt lõi. Phương pháp giáo dục Montessori khuyến khích trẻ cầm nắm và cảm nhận những đồ chơi giáo cụ như đồ chơi bảng chữ cái, xếp tháp,… trước khi bắt đầu học viết. Lớp học dành cho nhóm trẻ khoảng 3 tuổi, không phân chia cấp học, không kiểm tra hoặc bất kỳ loại bài tập nào để tránh môi trường học tập cạnh tranh. Dựa trên những gì quan sát được, Montessori cho rằng trẻ nếu được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.
Năm 2006, một nghiên cứu đã so sánh chất lượng học sinh trường áp dụng phương pháp Montessori và không áp dụng, cho thấy trẻ được học phương pháp giáo dục Montessori có khả năng tương tác xã hội và kỹ năng học tập tốt hơn.
2 – Phương pháp Steiner/Waldorf – Lớp học của thể chất – tâm hồn – trí tuệ
Lấy cảm hứng từ các kiến thức Nhân loại học, vị triết gia và nhà khoa học người Áo – Rudolf Steiner đã phát triển mô hình giáo dục dựa trên giả thuyết rằng con người đạt đến sự thông thái khi tự mình khám phá những bí ẩn sâu trong tâm trí. Phương pháp giáo dục tập trung vào sự phát triển đa diện (gồm thể chất, tâm hồn, trí tuệ) để giúp trẻ phát triển toàn diện.
Phương pháp này chia quá trình học tập của con người thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 7 năm:
- Từ khi sinh ra đến 7 tuổi: Steiner tin rằng trẻ dành 7 năm đầu đời cho việc phát triển những kỹ năng dựa trên việc bắt chước và hoàn thiện các giác quan. Vì thế, Waldorf khuyến khích vui chơi và tương tác với môi trường xung quanh, thay vì bị “nhồi nhét” kiến thức theo cách truyền thống. Steiner tin rằng trẻ con nên tập viết trước khi tập đọc và sẽ không được dạy kỹ năng đọc trước năm 7 tuổi.
- Từ 8-14 tuổi: Sự sáng tạo và trí tưởng tượng bắt đầu được chú trọng. Trong giai đoạn này, học sinh ở trường Waldorf được học ngoại ngữ, eurythmy (điệu nhảy giúp chữa lành cảm xúc được phát triển bởi Steiner) và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Đến năm 14 tuổi, trẻ bắt đầu được học cách cân bằng cảm xúc, nhận diện thẩm mỹ, học cách tiếp xúc với môi trường bên ngoài và đón nhận trách nhiệm xã hội
- Từ 15-21 tuổi: Con được học cách tư duy biện luận và cách nhìn nhận thế giới xung quanh, cũng như phát triển những tố chất thiên bẩm vào mục đích có ích cho cộng đồng, xã hội.
3 – Phương pháp Harkness – Lớp học bàn tròn
Phương pháp giáo dục Harkness không phát triển dựa trên một chương trình hay một học thuyết cụ thể mà nói đúng hơn là tập trung vào xây dựng thái độ học tập mới, nhằm theo dõi sát sao tư duy học tập của từng học sinh. Đặc điểm chính của phương pháp này là chiếc bàn tròn lớn được đặt ngay giữa lớp học, thoát ly khỏi phương pháp “bảng đen phấn trắng”.
Học sinh và giáo viên sẽ ngồi xung quanh chiếc bàn và cùng thảo luận. Tại bàn tròn, mọi ý kiến cá nhân đều được tiếp nhận, bày tỏ, phản biện và điều chỉnh. Trong cuộc thảo luận đó, giáo viên đóng vai trò là người điều hướng thảo luận thay vì là người truyền tải kiến thức một chiều. Cách sắp xếp thân mật theo kiểu “Bàn tròn Harkness” này còn khiến học sinh có trách nhiệm hơn với việc học của mình, cũng như khuyến khích chúng bày tỏ quan điểm cá nhân. Hơn thế, khi học thông qua bàn luận về một vấn đề nào đó, các con có thêm được kỹ năng nói trước đám đông và biết cách tôn trọng quan điểm của người khác.
4 – Phương pháp Reggio Emilia – Lớp học bình đẳng
Phương pháp Reggio Emilia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ huynh đóng vai trò tích cực trong việc giáo dục sớm cho con, dựa trên niềm tin rằng trẻ em là những cá thể tài năng, thích khám phá và luôn tự tin để chinh phục thử thách.
Phương pháp Reggio Emilia chú trọng việc thiết kế lớp học mang cảm giác như ở nhà, kèm theo chương trình học linh động và ưu tiên việc phát triển dựa trên tố chất của trẻ. Ngoài ra, phương pháp này còn đề cao việc cùng trẻ khám phá thế giới, thay vì trực tiếp cung cấp những câu trả lời cho trẻ. Từ đó, trẻ được phát triển đúng với tiềm năng của mình, về mặt trí tuệ lẫn khả năng sáng tạo.
Đồ dùng mỹ thuật là một thành phần quan trọng của các lớp học áp dụng phương pháp này. Chúng được coi là yếu tố thúc đẩy khả năng sáng tạo ở trẻ. Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng sẽ có bảng ghi chép quá trình phát triển của từng đứa trẻ. Bao gồm bộ sưu tập các tác phẩm của trẻ và những ghi chép về câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm ấy.
5 – Phương pháp Sudbury – Lớp học dân chủ
Mô hình Sudbury được tiên phong bởi Trường Sudbury Valley, được thành lập vào năm 1968. Trong 5 thập kỷ kể từ đó, hàng chục trường áp dụng Sudbury đã xuất hiện và hàng nghìn học sinh đã tốt nghiệp và trở thành những người trưởng thành thành công, hạnh phúc. Các con thường thích theo học các trường Sudbury vì sự tự do mà trường cho phép các con khám phá niềm đam mê và sở thích của mình cũng như trách nhiệm mà họ có thể đảm nhận đối với cộng đồng của mình.
Trong một ngôi trường học theo phương pháp giáo dục Sudbury, mọi thành viên có thể vừa là học sinh vừa là giáo viên (giúp đỡ các bạn học). Trong khi đó các giáo viên sẽ đóng vai trò như một người cố vấn. Giúp các con tìm tài liệu cần thiết chứ không phải một người có thẩm quyền, bảo các con phải làm gì hoặc không nên làm gì. Mặc dù thiếu đi các chỉ dẫn bắt buộc này, các con theo học trong một thời gian dài đều có thể học đọc, viết, làm toán cơ bản và theo đuổi sở thích học tập hoặc nghề nghiệp. Quan trọng hơn, các con đều phát triển được những kỹ năng xã hội và tình cảm mạnh mẽ sẽ giúp ích cho các con suốt quãng đời còn lại.
Khi trẻ em được tự do quản lý thời gian và giáo dục của mình, chúng sẽ phát triển sự tự tin, độc lập, trách nhiệm và tháo vát. Và khi con được lựa chọn học cái gì và học khi nào, con có thể giữ được niềm yêu thích học tập trong suốt cuộc đời. Mặc dù sinh viên tốt nghiệp Sudbury có thể không tham gia tất cả các lớp học mà sinh viên truyền thống làm, nhưng động lực và sự tự tin của bản thân cho phép các con lớn lên xuất sắc trong cả giáo dục đại học và sự nghiệp của họ.